Di tích lịch sử Di tích lịch sử

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - LỄ HỘI ĐỀN HÙNG 2022: SẴN SÀNG CHO NGÀY HỘI LỚN CỦA DÂN TỘC
Ngày đăng 07/04/2022 | 09:05  | Lượt xem: 2631

Chỉnh trang, cải tạo cảnh quan; quy hoạch hàng quán, dịch vụ; bổ sung phương án phòng, chống dịch Covid-19; sẵn sàng kịch bản đón tiếp đồng bào… là những phần việc đã được tỉnh Phú Thọ hoàn tất cho sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2022. Tất cả nhằm đáp ứng cao nhất những mong mỏi của đồng bào trong ngày hội lớn của dân tộc - ngày hội về nguồn. 

 

Nhiều nghi thức truyền thống sẽ được duy trì trong Lễ hội đền Hùng 2022.

       Bảo đảm an toàn, văn minh mùa lễ hội 

       Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm nay hội tụ nhiều điều đặc biệt. Sự kiện gắn với kỷ niệm 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Điều này góp phần mang đến không khí sôi nổi, hào hứng trong dòng người tìm về đất Tổ.

       Theo Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng Lê Trường Giang, những ngày qua, lượng khách hành hương trẩy hội đền Hùng tăng dần, dao động trong khoảng 4.000-5.000 người/ngày. Điều này đúng với dự kiến của Ban tổ chức lễ hội về xu hướng du khách sẽ tăng trở lại, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, để sẵn sàng phương án đón tiếp chu đáo, hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của đồng bào.

        “Từ các ngả đường lớn đổ về di tích, lực lượng cảnh sát giao thông, an ninh trật tự đã được bố trí đầy đủ để phân luồng giao thông, hướng dẫn du khách. Bên trong không gian di tích, cán bộ, nhân viên khu di tích và tình nguyện viên sẵn sàng nhắc nhở, hỗ trợ đồng bào thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Công tác trang trí chiếu sáng, treo cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu… đã được hoàn thành”, ông Lê Trường Giang cho biết.

        Cùng với đó, Ban tổ chức tăng cường các giải pháp bảo đảm “5 không” về an ninh trật tự, gồm: Không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không hành vi phản cảm; không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm... 

        Số điện thoại đường dây nóng của Ban tổ chức đã được công bố tại nhiều điểm trong khu vực lễ hội; 100% hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa kinh doanh; việc xử lý các tình huống có thể phát sinh, phân luồng, tránh ùn tắc cục bộ… tại một điểm trong không gian di tích đã được lên kịch bản. 

        Quảng bá đậm nét “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”

         Theo Ban tổ chức, Lễ Giỗ Tổ năm nay có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương" gắn với kỷ niệm 10 năm "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì vậy, cùng với việc chuẩn bị chu đáo công tác đón tiếp đồng bào, các hoạt động, sự kiện tôn vinh, quảng bá “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” sẽ được đẩy mạnh, là điểm nhấn xuyên suốt trong mùa lễ hội. 

         Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, bên cạnh các nghi lễ truyền thống, như: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng…, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2022 quy tụ nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, như: Tổ chức không gian hát xoan làng cổ, đánh trống đồng, đâm đuống, nấu bánh chưng - bánh giầy, trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa”, hội thi bơi chải, không gian trò chơi dân gian với các môn đẩy gậy, bắn nỏ, đấu vật, trưng bày quảng bá sản vật địa phương…

      “Về Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, du khách sẽ được thưởng thức các làn điệu hát xoan thấm đậm tình đất, tình người Phú Thọ. Đây là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước, chỉ có ở vùng đất Tổ và đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ông Nguyễn Đắc Thủy thông tin. 

        Cũng trong dịp này, nhiều không gian di sản tổ chức các hoạt động vinh danh di sản gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tiêu biểu như: Di tích đình Hùng Lô đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống đình Hùng Lô; đền Vân Luông đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội cướp bông, ném chài…

        Ban Quản lý khu di tích lịch sử đền Hùng mong muốn, cùng với việc quảng bá di sản, việc tổ chức nhiều điểm trải nghiệm văn hóa dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa… giúp làm dày thêm hành trình du lịch di sản của du khách, thu hút công chúng vào các hoạt động bên lề lễ hội, tránh tình trạng ùn tắc trong những khung giờ cao điểm. 

       Ông Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh: “Các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội đền Hùng không chỉ là minh chứng cho sự giàu có về bản sắc văn hóa của vùng đất Tổ, mà còn giúp đồng bào thêm tự hào về nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng, tìm thấy ở đó những gốc rễ bền chặt, góp phần làm nên giá trị trường tồn cho nền tảng văn hóa dân tộc”.

       Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng còn là dịp cho người dân cả nước thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức, quản lý lễ hội, tỉnh Phú Thọ đã sẵn sàng chào đón đồng bào và du khách thập phương về với vùng đất cội nguồn.

Nguồn: Báo Hà Nội mới